Phú Quốc hiện có chín đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm ba phường và sáu xã, với tổng diện tích 589,27 km². Trong đó, phường Dương Đông là trung tâm hành chính, kinh tế lớn nhất, trong khi các xã như Bãi Thơm, Cửa Cạn, Gành Dầu có diện tích rộng nhưng mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ.
Trước xu hướng cải cách hành chính trên cả nước, TP. Phú Quốc đang nghiên cứu phương án sáp nhập các xã nhằm tinh gọn bộ máy, giảm chồng chéo trong quản lý, tối ưu hóa nguồn lực và tạo tiền đề phát triển bền vững hơn. Theo kế hoạch của Bộ Nội vụ, công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước cần hoàn thành trước 30/6/2025, và cấp tỉnh trước 30/8/2025.
Phương án sáp nhập được đề xuất
UBND TP. Phú Quốc đã đề xuất hai phương án sáp nhập, mỗi phương án đều hướng đến tái cấu trúc hành chính hợp lý và hình thành các đặc khu phát triển chuyên biệt.
Phương án 1 – Tổ chức lại đơn vị hành chính xã, phường tại thành phố Phú Quốc
Sau khi tổ chức lại, thành phố Phú Quốc sẽ còn 2 đơn vị hành chính cấp cơ sở, giảm 7 xã, phường so với trước khi sáp nhập.
Cụ thể, 8 xã, phường sẽ được sáp nhập thành 1 đơn vị hành chính cấp cơ sở, dựa trên không gian và định hướng phát triển. Tổng diện tích của khu vực này là 575,29 km².
Khu vực sau sáp nhập dự kiến sẽ có tên mới là Đặc khu Phú Quốc, với trụ sở tạm thời đặt tại phường Dương Đông. Trong dài hạn, trung tâm hành chính mới sẽ được bố trí tại đầu phía Đông sân bay cũ, sau tượng Bác Hồ tại Quảng trường Hồ Chí Minh.
Riêng xã Thổ Thầu sẽ được giữ nguyên với diện tích 13,98 km² và được đổi tên thành Đặc khu Thổ Châu.
Phương án 2: Thành lập hai đặc khu hành chính và đặc khu riêng biệt cho Thổ Châu
Theo phương án này, TP. Phú Quốc sẽ tổ chức lại theo mô hình hai đặc khu hành chính chính và một đặc khu biệt lập:
- Đặc khu Bắc Phú Quốc: Bao gồm các xã Gành Dầu, Cửa Cạn, Cửa Dương, Bãi Thơm, phường Dương Đông, cùng một phần của xã Dương Tơ và Hàm Ninh. Khu vực này có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch sinh thái, bất động sản nghỉ dưỡng và nông nghiệp công nghệ cao.
- Đặc khu Nam Phú Quốc: Hợp nhất phường An Thới, phần còn lại của xã Dương Tơ và Hàm Ninh, tập trung vào phát triển kinh tế biển, cảng biển, dịch vụ hậu cần và du lịch ven biển.
- Đặc khu Thổ Châu: Do vị trí địa lý đặc biệt và tính chất chiến lược quan trọng, xã Thổ Châu sẽ được nâng cấp thành một đặc khu hành chính độc lập, với cơ chế quản lý riêng biệt nhằm phục vụ các mục tiêu an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế biển và khai thác du lịch sinh thái biển đảo.
Việc tái cấu trúc các đơn vị hành chính tại TP. Phú Quốc không chỉ giúp giảm bớt sự chồng chéo trong quản lý, mà còn mở ra cơ hội lớn để tăng cường đầu tư vào hạ tầng, phát triển du lịch và thu hút doanh nghiệp.
Khi các đơn vị hành chính được hợp nhất, ngân sách dành cho bộ máy hành chính sẽ được tiết kiệm đáng kể, giúp chính quyền tập trung vào các dự án quy mô lớn, tạo động lực phát triển cho toàn thành phố. Các đặc khu hành chính mới sẽ có cơ chế tự chủ cao hơn, cho phép TP. Phú Quốc chủ động trong việc lập quy hoạch, thu hút đầu tư và phát triển đồng bộ hơn. Điều này cũng tạo ra tiền đề để thành phố trở thành trung tâm kinh tế – du lịch tầm cỡ quốc tế.
Việc sáp nhập các xã tại TP. Phú Quốc là bước đi quan trọng trong chiến lược tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả điều hành và tạo điều kiện để thành phố phát triển theo hướng bền vững và hiện đại hơn.