Vào tháng 1, trong chuyến công tác tại Phú Quốc, Chủ tịch nước Lương Cường đã thông báo rằng Việt Nam sẽ lần thứ ba đảm nhận vai trò Chủ tịch Diễn đàn kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2027. Phú Quốc được chọn làm địa điểm tổ chức, đánh dấu một vinh dự lớn lao nhưng cũng là nhiệm vụ đầy trách nhiệm. Đây là sự tín nhiệm từ Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho Kiên Giang và Phú Quốc. Trước đó, Việt Nam đã từng đăng cai APEC vào các năm 2006 và 2017, và lần này, đảo ngọc Phú Quốc đứng trước cơ hội trở thành điểm đến sự kiện quốc tế nổi bật. Một trong những bước chuẩn bị được ưu tiên hàng đầu đó là mở rộng và nâng cấp cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Phú Quốc đang trở thành một điểm đến quốc tế quan trọng
Phú Quốc đang trở thành một điểm đến quốc tế quan trọng nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng và các chính sách thuận lợi như visa cởi mở và đường bay thuận tiện. Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch chất lượng cao ngày càng được hoàn thiện, thu hút sự kiện quốc gia và quốc tế. Đảo ngọc hiện có 311 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 428.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều siêu tổ hợp giải trí, nghỉ dưỡng với sức cạnh tranh lớn.
Gấp rút mở rộng sân bay để phục vụ APEC 2027
Để chuẩn bị cho APEC 2027, Phú Quốc mong muốn Chính phủ chỉ đạo mở rộng sân bay, bao gồm việc xây dựng đường băng thứ hai. Theo Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, kế hoạch quy hoạch đến năm 2030 sẽ đạt công suất 10 triệu hành khách và 25.000 tấn hàng hóa mỗi năm, với mục tiêu đến năm 2050 là 18 triệu hành khách và 50.000 tấn hàng hóa.
Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), để nâng công suất lên 10 triệu hành khách/năm, sân bay Phú Quốc cần mở rộng hệ thống đường băng, sân đỗ và xây dựng nhà ga hành khách T2.

Hiện tại, hơn 20 hãng hàng không khai thác các chuyến bay đến Phú Quốc, phục vụ du khách từ hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự kết nối quốc tế mở rộng, với các chuyến bay thẳng và charter từ nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, cùng các quốc gia xa như Hy Lạp, UAE, Singapore, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản và các quốc gia Đông Âu, Trung Á.
Gần đây nhất là hãng hàng không Scoot, một thành viên của Singapore Airlines, Singapore lần đầu tiên khai thác chuyến bay thẳng đến Phú Quốc, mở ra nhiều tiềm năng đón khách không chỉ từ Singapore mà còn là Malaysia, Ấn Độ và nhiều quốc gia khi Singapore được xem là “trạm trung chuyển” của thế giới.
Sân bay Phú Quốc có tỉ lệ tăng trưởng thuộc top 10 Đông Nam Á
Mới đây, trang thông tin hàng không tổng hợp Aviation A2Z uy tín của Ấn Độ đã công bố kết quả xếp hạng “Top 10 sân bay tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á tháng 1-2025”, trong đó cảng hàng không quốc tế Phú Quốc xếp vị trí thứ 6 về số chỗ ngồi bổ sung.
Theo dữ liệu của Aviation A2Z, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng 185,2%, tương đương hơn 108.000 chỗ ngồi bổ sung, trong khi các sân bay cùng khu vực chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình từ 10% – 16%.
Tỉ lệ tăng trưởng cao phản ánh sức hút ngày càng lớn của Phú Quốc với vai trò một điểm đến nhiệt đới hàng đầu, đồng thời khẳng định hiệu quả của chính sách miễn thị thực và chiến lược hợp tác giữa các hãng hàng không. Việc mở rộng các đường bay mới và gia tăng tần suất chuyến bay đã góp phần đưa Phú Quốc từ một điểm đến mới nổi trở thành một điểm du lịch hàng đầu trong khu vực.
Tỉ lệ tăng trưởng ấn tượng này là kết quả của những chính sách đón đầu làn sóng du khách quốc tế mà Phú Quốc đã triển khai kịp thời. Hiện tại, đảo ngọc là điểm đến duy nhất tại Việt Nam áp dụng chính sách miễn thị thực ưu việt, cho phép du khách trên toàn thế giới lưu trú với thời hạn lên tới 30 ngày.
Năm 2024, sân bay Phú Quốc đã khai thác hơn 4,1 triệu khách (gần 2 triệu khách quốc tế), vượt công suất thiết kế hiện tại là 4 triệu khách/năm (3 triệu khách quốc nội và 1 triệu khách quốc tế), khiến xảy ra tình trạng quá tải, tắc nghẽn nhiều giờ, đặc biệt tại khu vực xuất nhập cảnh, nhất là trong dịp Tết vừa qua.
Giai đoạn 2011-2023, tốc độ tăng trưởng du lịch của Phú Quốc đạt trên 38%/năm, gấp 6 lần bình quân chung cả nước./.